Các vai trò tiêu biểu trong dự án phát triển phần mềm
- Date 23/07/2023
Trong vòng đời dự án (project lifecycles) và vòng đời quản lý dự án (project management lifecycles) có nhiều nhóm người tham gia. Khi tập hợp nhân sự cho một dự án phát triển hệ thống phần mềm, có một số vai trò cần được cân nhắc. Lưu ý rằng ở vòng đời phát triển hệ thống phần mềm (SDLC) chỉ cung cấp thông tin các vai trò ở mức độ giai đoạn và quy trình, trong khi ở vòng đời quản lý dự án sẽ tiếp tục phân rã các hoạt động thành các nhiệm vụ (task) cụ thể. Kết quả là, trong khi các vai trò được xác định dưới đây mang tính chất tiêu biểu thường thấy trong một nỗ lực phát triển hệ thống phần mềm, chức năng nhiệm vụ của một vai trò trong một quy trình SDLC cụ thể có thể không hoàn toàn giống như mô tả ở đây.
Khách hàng (Customer) bao gồm các đơn vị kinh doanh đã xác định nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ mà dự án sẽ phát triển. Khách hàng có thể ở mọi cấp độ của một tổ chức, từ cấp giám đốc cho đến thư ký mới tuyển dụng. Thường sẽ không khả thi cho tất cả Khách hàng tham gia trực tiếp vào dự án nên các vai trò sau được xác định:
■ Đại diện Khách hàng (Customer Representatives) là thành viên cụ thể trong cộng đồng khách hàng được xác định và cung cấp hiểu biết chuyên gia của họ cho dự án. Trách nhiệm của họ là thể hiện chính xác nhu cầu của đơn vị kinh doanh cho Đội dự án và để nghiệm thu các sản phẩm bàn giao của dự án. Đại diện khách hàng cũng được trông đợi là người cung cấp cho cộng đồng Khách hàng những thông tin về dự án. Đến cuối dự án, Đại diện khách hàng sẽ kiểm tra nghiệm thu sản phẩm hoặc dịch vụ do dự án tạo ra, sử dụng, đánh giá nó và cung cấp thông tin phản hồi cho Đội dự án.
■ Người ra quyết định của Khách hàng (Customer Decision-Makers) là những thành viên của Cộng đồng khách hàng đã được chỉ định để ra quyết định trong dự án thay mặt cho các đơn vị kinh doanh chính mà sẽ sử dụng hoặc sẽ bị ảnh hưởng bởi sản phẩm hoặc dịch vụ do dự án cung cấp. Người ra quyết định của Khách hàng là các thành viên cấp điều hành chịu trách nhiệm đạt được sự đồng thuận của đơn vị kinh doanh của họ về các vấn đề và đầu ra của dự án, và truyền đạt quyết định (đã đồng thuận) cho Đội dự án. Họ tham dự các cuộc họp theo yêu cầu của Người quản lý dự án, xem xét và phê duyệt các sản phẩm bàn giao của quy trình và cung cấp hiểu biết chuyên gia cho Đội dự án. Trong một số dự án, họ có thể cũng đóng vai trò là Đại diện khách hàng.
Người tiêu dùng (Consumer) bao gồm tất cả những người sẽ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ mà dự án đang phát triển. Người tiêu dùng nội bộ của Tổ chức thực hiện dự án cũng có thể kiêm vai Khách hàng.
Các bên liên quan nội bộ (Internal Stakeholders) bao gồm tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sản phẩm hoặc dịch vụ mới trong Tổ chức thực hiện. Nghĩa là Bên liên quan nội bộ có thể bao gồm Đội dự án, Ban điều hành Tổ chức thực hiện dự án, Khách hàng, cũng như các đồng nghiệp của Khách hàng, những người sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong thực hành công việc của Khách hàng do sản phẩm hoặc dịch vụ mới được dự án cung cấp; và Người quản lý khách hàng bị ảnh hưởng bởi quy trình công việc được thay đổi sau dự án; và các nhóm người bị ảnh hưởng tương tự khác.
Các bên liên quan bên ngoài (External Stakeholders) bao gồm tất cả những người bên ngoài Tổ chức thực hiện dự án bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào bởi sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Người tiêu dùng cũng có thể là bên liên quan bên ngoài.
Các nhà cung cấp (vendors) được ký hợp đồng để cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung mà dự án sẽ yêu cầu và có thể trở thành thành viên của Đội dự án
Đội dự án (Project Team) bao gồm Người quản lý dự án (Project manager) và một số thành viên Đội dự án chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện dự án. Các vai trò trong đội dự án điển hình cho SDLC được mô tả dưới đây.
Người chủ trì phiên họp (Facilitator) dẫn dắt các phiên họp để xác định các yêu cầu kinh doanh và các vấn đề, giữ cho các phiên tập trung và hiệu quả, rút ra các vấn đề và ý tưởng từ tất cả những người tham gia, và duy trì sự rõ ràng và giao tiếp mở trong phiên họp.
Nhà phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) dẫn dắt hiệu quả các cuộc thảo luận với Khách hàng xác định yêu cầu nghiệp vụ, tham gia trong việc chuẩn bị dữ liệu và mô hình quy trình, chuẩn bị thông số kỹ thuật mô-đun, dữ liệu thử nghiệm và tài liệu người dùng, hỗ trợ trong các hoạt động tạo nguyên mẫu và phát triển các chiến lược để thử nghiệm và thực hiện dự án.
Người quản trị cơ sở dữ liệu (Database Administrator) chịu trách nhiệm cung cấp và duy trì các chính sách và thủ tục quản trị cơ sở dữ liệu, phê duyệt và thực thi các tập lệnh cơ sở dữ liệu (database scripts), thực hiện tinh chỉnh cơ sở dữ liệu, và chuyển đổi mô hình dữ liệu logic (Logical data model) thành các data files và cơ sở dữ liệu vật lý để hỗ trợ hệ thống phần mềm.
Người lập mô hình dữ liệu/quá trình (Data/Process Modeler) phát triển và duy trì mô hình dữ liệu và mô hình quy trình mà đại diện cho nhu cầu thông tin nghiệp vụ, phát triển và xác định từ điển dữ liệu (data dictionary), xác nhận các mô hình dữ liệu/quy trình với Khách hàng và tham gia tạo nguyên mẫu.
Kỹ sư trưởng/Kiến trúc sư (Technical Lead/Architect) chuyển đổi quy trình logic và mô hình dữ liệu vào trong một kiến trúc ứng dụng, thiết lập các nguyên tắc kiến trúc và phát triển các chiến lược để phát triển và phân phối các ứng dụng.
Nhà phát triển ứng dụng (Application Developers) bao gồm tất cả những người chịu trách nhiệm về phát triển nguyên mẫu, phát triển thông số/đặc tính kỹ thuật và viết code ứng dụng, và thực thi các tập lệnh kiểm thử (test scripts).
Người đảm bảo chất lượng phần mềm (Software Quality Assurance (SQA) Analyst) chịu trách nhiệm thiết lập và thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, soạn ra các kịch bản thử nghiệm và chuẩn bị dữ liệu thử nghiệm, và tham gia thực hiện các thử nghiệm tích hợp và thử nghiệm chấp nhận.
Dịch vụ Kỹ thuật (Technical Services (HW/SW, LAN/WAN, TelCom)) bao gồm tất cả những người chịu trách nhiệm đặt hàng, cài đặt và bảo trì các thành phần phần cứng và phần mềm, các thành phần mạng LAN/WAN và các cấu phần mạng viễn thông.
Cán bộ An ninh Thông tin (Information Security Officer (ISO)) chịu trách nhiệm xác định và thực thi các tiêu chuẩn và quy trình bảo mật thông tin.
Nhóm Hỗ trợ (Technical Support (Help Desk, Project Administration, Documentation, Trainers)) bao gồm tất cả những người chịu trách nhiệm hỗ trợ phát triển hệ thống mới. Dịch vụ hỗ trợ bao gồm soạn tài liệu hướng dẫn người dùng, công tác đào tạo, tài liệu hướng dẫn vận hành và các file trợ giúp (help files), đào tạo cho Khách hàng, trả lời các câu hỏi về kỹ thuật và nghiệp vụ được chuyển đến bộ phận Help Desk; hỗ trợ các thủ tục hành chính liên quan đến dự án.